Qua nhiều năm và 3 đời hiệu trưởng, 154 giáo viên bị đóng thiếu bảo hiểm xã hội (BHXH) và ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi nhưng sự việc chỉ mới được phát hiện tại Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Dư luận cho rằng, phải làm rõ và kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.
Trong cuộc họp cán bộ, công nhân viên chức vào cuối tháng 9 của Trường THPT Trần Phú, theo thông báo của Ban giám hiệu nhà trường thì hiện có 94 trường hợp bị đóng thiếu BHXH đã được trường tự giải quyết và còn 60 trường hợp nhà trường đang tìm biện pháp xử lý.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Phan Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Đơn vị đã đưa sổ BHXH cho cán bộ, giáo viên để họ phản hồi thông tin trên sổ và sẽ kiến nghị điều chỉnh. Kế toán phải điều chỉnh lại, báo cáo trước hội đồng giáo viên và trình cấp trên trước ngày 20-11. Thầy Hùng khẳng định: “Đây là vấn đề vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, việc này xảy ra cách khoảng 3-4 đời hiệu trưởng và tôi cũng chỉ mới biết khi lên làm hiệu trưởng vào đầu năm nay. Tôi đã đề nghị kế toán báo cáo các nội dung: Danh sách người đã giải quyết và chưa giải quyết, số người bị đóng lệch bậc… và đưa vấn đề ra đại hội công nhân viên chức vừa qua, đồng thời nói hết những khó khăn hiện nay của trường”. Thầy Hùng cũng cho biết thêm, hiện nay, được sự thống nhất của tập thể giáo viên, lãnh đạo nhà trường quyết định “chữa cháy” bằng cách lấy tiền phúc lợi cuối năm và tiền tiết kiệm chi của trường để đóng số tiền BHXH còn thiếu cho 60 người. Nếu hết năm nay chưa giải quyết đóng hết cho người lao động thì để sang năm đóng tiếp.
Theo quy định mới thì lãi suất chậm nộp BHXH hiện nay đã tăng nhiều so với các năm trước. Cụ thể, BHXH và bảo hiểm thất nghiệp chậm nộp có lãi suất là 12,78%/năm, bảo hiểm y tế là 13%/năm. Vì vậy, số tiền mà nhà trường phải đóng bù cho các cán bộ, giáo viên sẽ không hề nhỏ.
Ông Văn Phú Long, Trưởng phòng Thu-BHXH TP Đà Nẵng cho biết, cơ quan không biết sự sai lệch này bởi quyết định tăng lương chỉ có Sở Giáo dục và Đào tạo và nhà trường nắm giữ. BHXH thành phố chỉ biết khoản tiền trường đóng BHXH hằng năm. Bởi vậy, nhiều năm nay, Trường THPT Trần Phú vẫn đóng BHXH cho người lao động theo mức cũ (chưa có sự điều chỉnh khi lương tăng). Ông Long khẳng định, nếu sự việc không được phát hiện và khắc phục thì thiệt thòi lớn sẽ thuộc về người lao động, nhất là khi về hưu, bởi mức lương hưu người lao động được hưởng sẽ thấp hơn nhiều so với mức tính đúng. Ngoài ra, nếu người lao động nghỉ việc thì mức trợ cấp thấp nghiệp cũng sẽ rất thấp. Vì mức trợ cấp thất nghiệp được tính bằng bình quân 6 tháng thực làm cuối cùng trước khi nghỉ.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng, cho biết: Nhà trường đã có báo cáo về vấn đề này và hướng xử lý bằng cách sử dụng quỹ phúc lợi để bù vào khoản tiền hơn 200 triệu đồng do đóng thiếu. “Trước mắt phải tập trung giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho giáo viên. Sau đó, chúng tôi sẽ kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ trách nhiệm”, ông Vĩnh nói.
“Thực tế không ai được giữ sổ BHXH nên không biết mình bị đóng thiếu. Chỉ mong chế độ của tất cả cán bộ, giáo viên được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi”, thầy Cao Trung Kiên, giáo viên thể dục nhà trường bày tỏ.
Bài và ảnh: NGỌC PHƯƠNG
Nguồn:http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/dung-de-giao-vien-ngoi-tren-dong-lua-490073