Trong khi Bí thư Đà Nẵng nhận định bệnh viện hiện nay quá tải, chật chội thì lãnh đạo bệnh viện, Sở Y tế nhận định đó là chuyện bình thường.
Quá tải, chật chội là đương nhiên
Ngày 22/3, thăm bệnh viện Đà Nẵng, Bí thư Nguyễn Xuân Anh cho rằng, khuôn viên bệnh viện Đà Nẵng quá ngột ngạt, chật chội, không có cảnh quan. Đặc biệt, bệnh nhân quá đông khiến bệnh viện bị quá tải.
“Bệnh viện đâu phải chỉ để chữa bệnh. Vào nằm viện mà thấy thoải mái, phấn chấn nhiều khi tâm lý thế bệnh lại mau lành. Bệnh viện giờ thấy ngột ngạt, ức chế quá”, ông nói.
Ông cho rằng, phải xây dựng các bệnh viện vệ tinh, ví dụ bệnh viện Đa khoa phía Tây Bắc Đà Nẵng, Tây Nam Đà Nẵng để giãn bớt bệnh nhân.
“Chúng ta có thể nâng cấp bệnh viện Liên Chiểu thành bệnh việ Đa khoa vệ tinh. Nghe tên bệnh viện Đa khoa Liên Chiểu có thể người ta không đến vì nghĩ tuyến dưới, nhưng là bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng khu vực Tây Bắc thì theo tâm lý người dân sẽ tìm đến thôi”, ông gợi mở.
Trước thực trạng Bí thư chỉ ra, chiều ngày 21/3, trao đổi với Đất Việt, Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh – Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng cho biết: “Một bệnh viện tuyến cuối, lại có uy tín của thành phố cho nên hiện nay bệnh viện đang khám và điều trị cho 65% người dân thành phố và 35% người dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…vì thương hiệu đã rất lâu đời, nên người dân tìm đến, dẫn đến việc giường bệnh tăng gấp đôi so với bình thường.
Nhưng nếu thành phố cho xây dựng thêm các trung tâm mới, đẩy nhanh tiến độ khu trung tâm tim mạch, chấn thưởng chỉnh hình thì không còn phải chen chúc nữa. Những việc như quá tải chúng tôi đã dự tính được từ cách đây 5 năm, đã tính đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trình lên UBND TP.
Vừa qua trung tâm hồi sức cấp cứu và phòng mổ cao 5 tầng đi vào hoạt động rất hiệu quả. Giờ chỉ cần hoàn thiện các trung tâm khác nữa, cả 3 trung tâm hoạt động thì sẽ không còn quá tải”.
Theo Giám đốc bệnh viện, các bệnh viện tuyến cuối trên cả nước thì bệnh viện nào cũng đều như vậy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức…, nhiều bệnh viện khác cũng đông đúc, chật chội kinh khủng. Thời điểm Bí thư đi kiểm tra cũng là lúc cao trào, cao điểm, hiện bệnh viện cũng đang cố gắng điều tiết sao cho phù hợp.
“Để giảm quá tải bệnh viện, chúng tôi đưa ra 5 nhóm giải pháp: Thứ nhất, vấn đề cơ sở hạ tầng, đã trình lên UBND thành phố, xin xây dựng một số trung tâm. Thứ hai, nâng cao chất lượng khám chữa, phục vụ, giảm ngày điều trị của bệnh nhân.
Thứ ba, phát triển trình độ chuyên môn ở các bệnh viện tuyến huyện, quận, để họ khám chữa tốt hơn, không chuyển tuyến. Thứ tư, đơn giản gọn nhẹ các thủ tục hành chính. Thứ năm, hoàn thiện cơ chế tự chủ, tùy theo số lượng bệnh nhân để có chế độ phục vụ phù hợp hơn”, ông Thạnh nói rõ.
So sánh với các bệnh viện khác, theo ông Thạnh, nói ra thì dễ mất lòng nhưng nhiều nơi chất lượng bệnh viện còn tệ hơn Đà Nẵng, cái gì cũng chỉ mang tính tương đối. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo thành phố nên chất lượng bệnh viện Đà Nẵng không đến nỗi chưa chấp nhận được.
Ở đâu cũng vậy
Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho rằng, tình trạng quá tải thì vốn dĩ cũng đã tồn tại từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới xuất hiện.
Nhưng không riêng gì bệnh viện Đà Nẵng, mà tất cả các bệnh viện tuyến cuối trên cả nước, vấn đề dịch vụ theo điều trị còn rất yếu. Ở nước ngoài một bệnh viện ngoài khu dịch vụ khám chữa bệnh thì họ còn có nhiều khu giải trí, công viên trong khuôn viên bệnh viện. Còn chúng ta hiện nay đến diện tích mà dành cho khám bệnh còn quá tải nói gì đến các dịch vụ khác.
Như hiện nay bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cũng có một số các dịch vụ hỗ trợ công tác điều trị đi theo, nhưng các bệnh viện như vậy rất hiếm”.
Bên cạnh đó, theo ông Hồng, bệnh viện Đà Nẵng từ khi tiếp quản đến nay liên tục sửa chữa, liên tục xây dựng, nhưng vẫn quá tải, lúc nào cũng có tình trạng đập phá xây mới trong khuôn viên bệnh viện. Hiện nay, bệnh viện cũng mở rộng thêm như Trung tâm tim mạch đang xây dựng, tại khu đất của bệnh viện Sơn Trà 1.
Là người quản lý trực tiếp về vấn đề điều trị, Bác sĩ Nguyễn Út – Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng phân tích: “Cơ sở bệnh viện là cố định trong khi dân số phát triển, nên khó tránh khỏi quá tải. Cùng với đó, Đà Nẵng không chỉ điều trị cho dân Đà Nẵng, mà còn nhiều người dân từ các tỉnh, thành phố lân cận, do có nhiều kỹ thuật cao.
Nên việc quá tải là diễn ra thường xuyên, cái cần quan tâm hiện nay là làm sao có giải pháp nâng cao chất lượng, xóa bỏ việc quá tải. Nhưng để làm được chỉ có cách thành lập nhiều trung tâm, chia nhỏ ra các lĩnh vực chuyên biệt”.
Theo ông Út, nói chung bệnh viện Đà Nẵng quá tải nhưng vẫn còn dễ thở, chứ chỉ cần vào nhiều bệnh viện TPHCM còn khó khăn, kinh khủng hơn gấp mấy lần.
“Chúng tôi đang triển khai thêm Trung tâm tim mạch, chở thêm 600 bệnh nhân nữa, khi đó quá tải sẽ giảm đi, đó là chắc chắn, nhưng việc này cần lộ trình.
Chúng tôi luôn hướng tới một bệnh viện có chất lượng dịch vụ tốt, đổi mới quan cách thái độ phục vụ của bác sỹ, cán bộ y tế bệnh viện, áp dụng nhiều kỹ thuật mới”, ông Út nhận định.
Châu An/Báo Đất Việt
Nguồn:Quá tải ở bệnh viện Đà Nẵng
Bài viết liên quan
Bật mí bí quyết lựa chọn rượu vang khi du lịch
Tour Bà Nà Hill Đà Nẵng Giá Rẻ – Chiêm Ngưỡng Thiên Đường Nơi Mặt Đất
Festival Huế – Khơi dậy năng lượng tích cực với âm nhạc và văn hóa