Gần 15 năm qua, khu nhà trọ ọp ẹp nằm cạnh đường ray xe lửa thuộc phường Xuân Hà (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) là chỗ trú ngụ miễn phí của hơn 60 mảnh đời bất hạnh. Không phân biệt chủ khách, hằng ngày những người trong xóm trọ nghèo này vẫn thương yêu, đùm bọc, động viên nhau cố gắng trong cuộc sống mưu sinh.
Chủ của xóm trọ là bà Phan Thị Dung (SN 1959) cũng là chủ đại lý vé số, người đã tạo công ăn việc làm cho gần 60 hoàn cảnh khuyết tật, người già đơn thân tại Đà Nẵng. Khi biết chúng tôi tìm về để viết bài, bà Dung cười hiền, liên tục xua tay: “Việc làm nhỏ của tôi thì đáng cái chi đâu mà viết lên. Tôi giúp đỡ mọi người bằng cái tâm chứ đâu có giúp để người khác ca ngợi”.
Theo lời kể của bà Dung, bà vốn sinh ra trong một gia đình nhà nông chân chất. Từ nhỏ, bà cùng cha mẹ quanh năm bám ruộng đồng nhưng chẳng dư giả cho cam. Đến năm 20 tuổi, bà lập gia đình với một chàng trai hiền lành cùng làng. Cuộc sống êm ấm được vài năm thì người chồng mãi rời xa bà khi mắc bệnh hiểm nghèo. Gia đình mất đi trụ cột chính, mình bà vẫn tần tảo nuôi 4 đứa con thơ khôn lớn. Rồi bà tìm đến công việc bán vé số dạo và gắn với cái nghề vất vả này đến bây giờ.
Thương con, hằng ngày bà phải đi hàng chục kilômét để kiếm từng đồng bạc lẻ. Nhưng nỗi đau cứ chồng chất khi hai đứa con của bà lần lượt bỏ bà ra đi vì bệnh nặng. Gạt nước mắt tiếp tục làm lụng, sau nhiều năm tích góp, đầu năm 2000, bà mạnh dạn mở một đại lý vé số nhỏ tại nhà để đỡ phải đi lại vất vả.
Qua bao trái ngang của cuộc sống, bà Dung hiểu được khó khăn mà những người bán vé số xa quê phải nếm trải. Sau nhiều ngày suy nghĩ và bàn bạc với các con, bà Dung đã mạnh dạn vay mượn hàng xóm, xây 20 phòng trọ để cho những người khuyết tật, người già đơn thân, người nghèo vào ở miễn phí.
Bà Dung chia sẻ: “Tôi từng trải qua những giai đoạn khó khăn của đời người nên tôi hiểu hơn hết những vất vả, thiếu thốn của những người bán vé số như tôi. Tôi chỉ nghĩ rằng, mình có thể giúp đỡ họ bằng tấm lòng, giúp đỡ họ trong một chừng mực nào đó có thể của bản thân”. Thế rồi căn nhà trọ đặc biệt của bà Dung trong nhiều năm nay chưa bao giờ thiếu khách đến và luôn tràn ngập tiếng cười.
Nhắc đến bà chủ trọ tốt tính, nhiều người trong xóm trọ đều cảm kích. Anh Lê Tấn Hùng (SN 1978, quê Quảng Nam) kể: Anh vốn là người khuyết tật, lúc trưởng thành, anh Hùng cưới một người phụ nữ cùng thôn. Tuy vợ anh cơ thể bình thường nhưng sức khỏe chị lại ốm yếu, chỉ ở nhà làm công việc nhẹ nhàng và chăm sóc hai đứa con nhỏ. Cách đây 6 năm, anh Hùng tìm ra Đà Nẵng đi bán vé số. Vốn dân quê nên ra TP là một điều mới lạ với anh Hùng, thế nhưng được sự giới thiệu của những sinh viên tình nguyện, bà Dung đã đến tận bến xe đón anh về khu trọ của mình. Nhìn Hùng đi đứng khó khăn, bà Dung vét nốt số tiền tiết kiệm tuổi già, mua tặng anh một chiếc xe lăn lắc tay để thuận tiện đi bán vé số dạo… “Công việc tôi thì lúc bán được, lúc ế ẩm. Thế nhưng tiền học thêm, tiền sách vở cho hai đứa con thì tôi phải gửi về hằng tháng. Nhiều khi túng thiếu, bà Dung còn vui vẻ cho tôi mượn tiền để gửi về quê cho con kịp đóng tiền học. Chính những việc làm tử tế của bà đã giúp chúng tôi có thêm nghị lực tin vào cuộc sống” – anh Hùng thật thà.
Nguồn:http://connguoi.laodong.com.vn/nhan-vat/xom-tro-mien-phi-giua-long-da-nang-598178.bld
Bài viết liên quan
Tour Bà Nà Hill Đà Nẵng Giá Rẻ – Chiêm Ngưỡng Thiên Đường Nơi Mặt Đất
Festival Huế – Khơi dậy năng lượng tích cực với âm nhạc và văn hóa
Review các trải nghiệm du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023