Sẽ có thêm một ‘FORMOSA’ mới ở Quảng Nam

Trong khi mối quan ngại về sự cố ô nhiễm môi trường do dự án thép Formosa gây ra vẫn còn đang “nóng” thì việc UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản thống nhất cho công ty TNHH Thép Việt Pháp được chọn địa điểm để đầu tư nhà máy luyện cán thép gần 1.000 tỷ đồng tại huyện miền núi Nam Giang đang làm dấy lên nỗi lo ngại của nhiều người.
Vào ngày 23/9/2016, ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Thông báo số 420/TB-UBND thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam với diện tích khoảng 17,3 ha.

Người dân chặn đường phản ứng nhà máy thép của Công ty TNHH Việt Pháp gây ô nhiễm

Người dân chặn đường phản ứng nhà máy thép của Công ty TNHH Việt Pháp gây ô nhiễm

“Vết đen” chủ đầu tư

Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2012, nhà máy Công ty TNHH Thép Việt Pháp (Cụm Công nghiệp và Dịch vụ Thương Tín 1, xã Điện Nam Đông, H.Điện Bàn, Quảng Nam) đã gây không ít bức xúc cho người dân tại khu vực.

Nhiều lần, hàng ngàn người dân địa phương phong tỏa lối vào nhà máy để phản ứng vì nhà máy thép xả khói bụi và tiếng ồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Trước những phản ứng của người dân, vào tháng 7/2012, UBND tỉnh Quảng Nam đã buộc đơn vị thực hiện các giải pháp khắc phục như trồng cây xanh cách ly; lắp camera giám sát; xử lí tiếng ồn, độ rung; không được để khói thoát ra từ lò nấu mà phải hút vào ống xử lí; không được gây ra khói đen, mùi khét…

Tuy nhiên, thời điểm đó, qua kiểm tra, nhà máy thép Việt Pháp vẫn còn nhiều điểm chưa khắc phục như chưa công bố quy mô hoạt động, các ảnh hưởng cũng như biện pháp bảo vệ môi trường cho cơ quan chức năng và người dân.

Thậm chí, nhà máy thép còn tự ý thay đổi công nghệ xử lý khí thải mà chưa được cấp phép, chưa thực hiện quản lý chất thải rắn, phớt lờ đề nghị hạn chế hoặc ngừng sản xuất khi gặp thời tiết xấu phát sinh ô nhiễm… của UBND tỉnh Quảng Nam.

Do đó, vào ngày 1/10/2012, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Nam đã đình chỉ hoạt động nhà máy Công ty TNHH Thép Việt Pháp (Cụm Công nghiệp và Dịch vụ Thương Tín 1, xã Điện Nam Đông, H.Điện Bàn, Quảng Nam) để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Mới đây nhất, vào năm 2014, trong gần một tuần, người dân lại tiếp tục dựng lều phản đối nhà máy xả khói gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại khu vực này.

Ông Võ Như Quảng (xã Điện Nam Đông, Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết, người dân tại khu vực này đã nhiều lần phản ứng vì nhà máy xả khói bụi. Mỗi lần dân phản ứng công ty lại cam kết, hứa hẹn khắc phục, tuy nhiên đâu lại vào đó, thậm chí khói bụi còn thải ra ngoài nhiều hơn.

“Người dân chúng tôi chỉ có hai yêu cầu, một là phải chuyển đổi, di dời nhà máy đi chỗ khác, hai là dân chúng tôi phải chuyển đi để doanh nghiệp làm gì thì làm” – ông Quảng bức xúc.

Trước những phản ứng của người dân, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra “tối hậu thư” cho nhà máy này phải di dời khỏi khu dân cư vào cuối năm 2017.

Và những quan ngại

Theo tài liệu mà DĐDN có được, vào ngày 9/7/2016, Công ty TNHH Thép Việt Pháp có Tờ trình số 044/TTr-Cty/2016 gửi cho UBND tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Nam Giang về việc thỏa thuận địa điểm thực hiện đầu tư dự án trên.

Trước những đề nghị của Công ty TNHH Thép Việt Pháp, ngày 30/8/2016, UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn số 4209 về chủ trương nghiên cứu đầu tư Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang của Công ty TNHH Thép Việt Pháp.

Tiếp đó, vào ngày vào ngày 23/9/2016, ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Thông báo số 420/TB-UBND thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Thông báo 420 do ông Huỳnh Khánh Toàn ký đã thống nhất cho phép Công ty TNHH Thép Việt Pháp (chủ đầu tư) được chọn địa điểm để lập dự án đầu tư Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp…với diện tích khoảng 17,3ha.

Trong thông báo này, Ông Huỳnh Khánh Toàn cũng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là trước khi ông Huỳnh Khánh Toàn – PCT UBND tỉnh Quảng Nam có các văn bản thống nhất cho công ty TNH Thép Việt Pháp được chọn địa điểm để đầu tư nhà máy thì ngày 22/8/2016, Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Nam có văn bản số 597/SKHĐT- HTĐT về việc xem xét chủ trương đầu tư dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam gửi UBND tỉnh Quảng Nam.

Văn bản này ghi rõ: Sở KH-ĐT không thống nhất chủ trương đầu tư mới nhà máy tại địa điểm này với lý do sau: Trong thời gian qua, dự án luyện thép Formosa Hà Tĩnh và Formosa Đồng Nai đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Chính phủ đã đưa ra quan điểm chỉ đạo không đánh đổi phát triển kinh tế để đổi lấy môi trường bị hủy hoại. Lĩnh vực sản xuất thép thuộc lĩnh vực công nghiệp nặng nên sẽ ảnh hưởng đến môi trường (nhất là các loại kim loại nặng thải ra trong quá trình sản xuất và khói bụi dù doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường); Dự án luyện cán thép Việt Pháp của Công ty TNHH Thép Việt Pháp dự kiến sẽ đầu tư mới với quy mô 975 tỷ đồng là dự án lớn, chưa nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt, hiệu quả mang lại theo báo cáo của doanh nghiệp chưa có tính thuyết phục bởi qua thực tế dự án luyện cán thép Việt Pháp mà chủ đầu tư đã thực hiện tại Cụm công nghiệp và Thương Tín I, Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đang thuộc diện di dời, đóng góp ngân sách hàng năm không đáng kể, theo số liệu của Cục Thuế Quảng Nam, năm 2014 dự án nộp ngân sách 3 triệu đồng và năm 2015 là 12,6 triệu đồng.

Cũng theo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Nam thì Địa điểm thực hiện dự án luyện cán thép Việt Pháp với quy mô 17ha tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, là khu vực đầu nguồn thuộc vùng núi cao, lại nằm sát đường lộ và nhiều hộ dân đang sinh sống dọc đường nên các hộ dân này phải di dời nên cần xem xét kỹ việc ảnh hưởng về môi trường đối với khu dân cư, nhà dân gần nhất để khi nhà máy đi vào hoạt động, tránh sự khiếu kiện từ người dân về ô nhiễm môi trường, đặc biệt xem xét ảnh hưởng của dự án trên đối với các quy hoạch về phát triển đô thị và dân cư ở khu vực lân cận.

Cùng với đó, Dự án luyện cán thép Việt Pháp nếu đầu tư tại huyện Nam Giang (địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn) thì dự án được miễn tiền thuế đất 11 năm, áp dụng mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế TNDN 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư vào địa bàn được ưu đãi về thuế nhập khẩu.

“Bên cạnh đó, khả năng đóng góp cho ngân sách, giải quyết lao động không đáng kể trong khi đó dự án vừa ảnh hưởng đến dân sinh và tiềm ẩn rất cao về ô nhiễm môi trường không chỉ tại địa bàn nơi đặt dự án mà cả vùng lân cận và khu vực hạ lưu đang làm dấy lên nỗi lo ngại của nhiều người”, văn bản này ghi rõ.

Một điều cũng rất đáng quan ngại là Dự án luyện cán thép Việt Pháp được tỉnh Quảng Nam chọn vị trí đầu tư tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang, Quảng Nam), khu vực rừng núi đầu nguồn sông Vu Gia chảy qua địa phận Quảng Nam.

Theo các chuyên gia, đây là khu vực đầu nguồn của sông Vu Gia – dòng sông có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng.

Đặc biệt, đây chính là nguồn nước chính cung cấp cho thành phố Đà Nẵng, với lưu lượng cấp nước tại nhà máy nước Cầu Đỏ khoảng 250 ngàn m3/ngày đêm, chiếm 99% nhu cầu nước sạch tại Đà Nẵng. Vậy nên, dư luận lo lắng nếu tỉnh Quảng Nam chấp thuận đầu tư nhà máy cán luyện thép tại vị trí đầu nguồn sông Vu Gia, nguồn nước sinh hoạt cho toàn đô thị Đà Nẵng sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, bất chấp kiến nghị của Sở KHĐT tỉnh Quảng Nam, ý kiến của giới chuyên môn về khả năng gây ô nhiễm khu vực đầu nguồn, UBND tỉnh Quảng Nam vẫn ra văn thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam với diện tích khoảng 17,3 ha.

Và câu hỏi được đặt ra ở đây là có phải liệu có phải UBND tỉnh Quảng Nam đang thu hút đầu tư bằng mọi giá, bất chấp tất cả để tăng trưởng kinh tế, đánh đổi môi trường?

Nguyễn Phước


Nguồn:http://enternews.vn/se-co-mot-formosa-moi-o-quang-nam.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *