Đà Nẵng trong tương lai chắc chắn là mối quan tâm lớn nhất của mỗi người dân của thành phố cũng như của Việt Nam. Liệu Đà Nẵng sẽ tiếp tục bước tới như thế nào? Hình mẫu nào là đáng để Đà Nẵng học hỏi để tiếp tục giữ vững vị trí là thành phố môi trường, thành phố bền vững? Nhiều người nhắc tới Singapore, nhưng đó có phải là ví dụ duy nhất đáng học hỏi? Hãy điểm qua một số thành phố có thể là hình mẫu tuyệt vời cho Đà Nẵng trong tương lai:
MELBOURNE
Melbourne đạt danh hiệu thành phố đáng sống nhất thế giới 4 năm liền nhờ những lý do dưới đây:
Về giáo dục: Melbourne là kinh đô giáo dục của nước Úc, ở đây tập trung hầu hết các trường Đại học có “số má” của Úc như Melbourne Uni (Hạng 1 nước úc, top 10 thế giới), Monash (hạng 2 Úc), hay RMIT, La Trobe, Swinburne,… đều thuộc top những trường đại học hàng đầu của nước Úc. Sinh viên được tạo điều kiện tối đa cho việc học tập và nghiên cứu, như thư viện Swinburne và RMIT mở cửa 24/24 giờ.
Về môi trường sống: “Đặc sản” của Melbourne là công viên, riêng khu trung tâm (CBD) đã có hàng chục công viên lớn nhỏ khác nhau, trong đó lớn nhất là Công viên hoàng gia Melbourne rộng tương đương một khu rừng nhỏ. Tổng số công viên của Melbourne có thể lên tới con số trăm với tổng diện tích 480 hecta (4,8 triệu m2), trải dài dọc theo các con sông hay xem lẫn vào khu dân cư. Ở mỗi công viên đều có bếp lò miễn phí nên thường đám sinh viên rất hay “hò hẹn” ra làm tiệc nướng cuối tuần.
Về cơ sở hạ tầng và giao thông, thành phố có đầy đủ các phương tiện bao gồm xe bus, Tram (Tàu điện), Tàu hỏa,… đến nỗi có thể sống cả đời mà không cần mua xe. Đặc biệt là các tuyến Tram bên trong khu vực nội thành là hoàn toàn miễn phí, có hẳn một tàu điện cổ đi qua tất cả các đia điểm tham quan cho khách du lịch.
Về con người, Melbourne là thành phố vô cùng đa sắc tộc, bạn có thể ăn hầu hết món ăn của các nền văn hóa tại đây. An toàn của người dân cũng được đặt lên hàng đầu, ôtô luôn nhường đường cho người đi bộ và còn người đi bộ bị cấm mang dao trên người. Nếu vi phạm những nguyên tắc an toàn thì có thể sẽ bị phạt rất nặng, từ 300-1000 AUD/lỗi.
Melbourne có tất cả những điều đáng để không chỉ Đà Nẵng mà tất cả đô thị trên thế giới cần học hỏi. Cho nên tại sao Đà Nẵng chỉ muốn là “một Singapore của Việt Nam”?
GOLD COAST – BỜ BIỂN VÀNG
Lại một thành phố nữa của nước Úc, đây cũng là thành phố biển có điều kiện tương tự như Đà Nẵng với biệt danh “the surfing paradise” – “Thiên đường lướt sóng”. Nơi đây có bờ biển dài, nắng ấm quanh năm và ngay gần Great Barrier Rief – rặng san hô lớn nhất thế giới.
Với dân số chỉ xấp xỉ 500 000, Gold Coast có một nền kinh tế phụ thuộc chính vào du lịch với điểm nhấn chính ở đây là các khách sạn cao chọc trời nằm dọc theo bờ biển và các dịch vụ lướt sóng. Và giống như ở moi nơi trên nước Úc, các nhà tắm công cộng dọc theo bờ biển ở đây hoàn toàn MIỄN PHÍ.
Ngoài bãi biển, khác với không khí thanh bình của Melbourne, buổi tối bạn sẽ thấy những con phố đông đúc người qua lại và các quán bar xập xình cả đêm, biểu diễn nghệ thuật trên phố đi bộ. Đăc biệt, ở đây có những khách sạn ở Gold Coast là khách sạn “không người”, bạn chỉ việc đặt trên mạng, lấy thẻ điện tử và sau đó thì mỗi lần ra vào chỉ cần quẹt thẻ.
Gold Coast xứng đáng là hình mẫu cho sự phát triển du lịch biển của TP Đà Nẵng, để trả lời cho câu hỏi “làm sao một thành phố nhỏ chỉ với chưa đầy nửa triệu dân có thể giàu có chỉ bằng du lịch biển” và “tầm quan trọng của việc bảo tồn hệ sinh thái bờ biển” cho việc phát triển du lịch.
ESTONIA
Estonia là một đất nước với dân số chỉ chưa đầy 1.5 triệu, nghĩa là tương đương dân số của Đà Nẵng trong thời gian tới. Lý do mình đưa Estonia vào là vì nó có rất nhiều điểm tương đồng với Đà Nẵng không chỉ về dân số mà còn về xuất phát điểm thấp: Thị trường nhỏ & lạc hậu, ít lợi thế về khoa học & công nghệ.
Sau khi giành độc lập vào năm 1991, Estonia chỉ là một đất nước bé xíu nằm ở góc xa của Bắc Âu, ngay cạnh Phần Lan với cơ sở vật chất lạc hậu, chỉ 1/3 dân số có điện thoại và ít ai biết về Internet. Nền kinh tế của Estonia lúc đó chủ yếu là nông nghiệp và không có lợi thế gì về công nghệ, công nghiệp hay thị trường.
Nhưng chỉ 15 năm sau bằng cách học từ đất nước Phần Lan bên cạnh và tập trung vào phát triển tri thức về công nghệ thông tin, một lĩnh vực yêu cầu ít vốn đầu tư ban đầu. Estonia đã trở thành đất nước dẫn đầu về công nghệ thông tin tại Châu Âu với hệ thống chính phủ, thanh toán và kể cả bầu cử cũng được điện tử hóa 100%. Và để cho các bạn dễ hình dung thì Estonia chính là nơi sản sinh ra Skype (Microsoft mua lại với giá 8 tỷ USD) và Youtube.
Bằng cách loại bỏ các tư duy cũ, tận dụng lợi thế không bị giới hạn về khoảng cách địa lý của công nghệ thông tin (nghĩa là không bị giới hạn về thị trường), Estonia đã lột xác từ một đất nước phụ thuộc chính vào nông nghiệp, thành một nước có 28% GDP từ công nghiệp công nghệ cao. Một ví dụ đáng để Đà Nẵng học hỏi cho định hướng phát triển CNTT và Công nghệ cao của mình.
SINGAPORE
Dĩ nhiên là không thể không nhắc tới Singapore, điều thần kỳ châu Á. Từ một đảo quốc nhỏ bé, Singapore đã trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn nhất thế giới với môi trường vô cùng sạch sẽ. Sự tương đồng về văn hóa Á Đông cũng là một ưu điểm khi áp dụng các bài học từ đây.
Cũng vì không có tài nguyên nào đáng kể, 40% thu nhập quốc dân Singapore phụ thuộc vào thương mại và dịch vụ. Do vậy các ngành như Cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, lọc dầu, chế tạo thiết bị tinh vi là các mũi nhọn chính của Singapore.
Điểm đáng học tập nhất của Singapore có lẽ là sự nghiêm khắc, tất cả các hành động xả rác có thể bị phạt roi và tiền từ 700 đến 2000 đô la Sin, nó tạo nên một xã hội trật tự và vô cùng sạch sẽ. Hệ thống giao thông công cộng ở đây cũng vào loại tốt nhất thế giới cho nên bạn gần như không cần xe cá nhân để di chuyển đến bất cứ đâu trên đảo quốc.
Thêm vào đó mặc dù đất đai rất thiếu thốn nhưng chính phủ Singapore vẫn tận dụng tối đa để có các không gian xanh, vườn bách thảo ở đây mở cửa miễn phí cho người dân vào cắm trại và thư giãn cuối tuần. Ngoài ra các công viên nhân tạo cũng đang tiếp tục được xây dựng trên đất khai hoang lấn biển.
Tuy nhiên, một trong những điểm trừ của Singapore là cuộc sống quá nhiều áp lực và bận rộn, người dân hầu hết phải lao động cật lực hơn 8h mỗi ngày sau vẻ hào nhoáng bên ngoài. Đồng thời diện tích quá nhỏ cũng khiến cho đô thị chiếm phần lớn đất nước và thiếu đi các không gian xanh thoáng đãng và rộng rãi.
LỜI KẾT
Từ những ví dụ trên, có thể thấy 1 thành phố đáng sống về cơ bản nên có một số yếu tố sau:
Môi trường sống an toàn, trong lành, sạch sẽ, nhiều công viên và cây xanh.
Giao thông thuận lợi với một hệ thống phương tiện công cộng có thể thay thế được cho xe cá nhân.
Giáo dục phát triển với nhiều trường học chất lượng.
Nền kinh tế tập trung vào tri thức và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Sự phát triển của một thành phố là vô cùng phức tạp, và xây dựng một thành phố bền vững còn phức tạp hơn gấp trăm lần. Có lẽ may mắn lớn nhất của Đà Nẵng là người đi sau và có thể học hỏi được từ nhiều phía cùng một định hướng phát triển đúng ngay từ đầu, do vậy đã học thì có lẽ nên học đến cùng, đừng chỉ học mỗi Singapore.
Long Gà- Amazingdanang
Nguồn:http://amazingdanang.com/vi/2016/09/08/nhung-thanh-pho-hinh-mau-cho-da-nang-trong-tuong-lai/
Bài viết cùng chủ đề:
Tour Bà Nà Hill Đà Nẵng Giá Rẻ – Chiêm Ngưỡng Thiên Đường Nơi Mặt Đất
Festival Huế – Khơi dậy năng lượng tích cực với âm nhạc và văn hóa
Review các trải nghiệm du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023
Trải nghiệm Tour du lịch Đà Nẵng siêu hấp dẫn tại Tourdanangcity
Đà Nẵng và người Đà Nẵng- thất vọng, không như tôi tưởng
5 Lý Do Nên Chọn Trai Đà Nẵng để Yêu !!!
Thăm ngôi miếu Quan Công linh thiêng nhất Việt Nam
Nữ hiệp sĩ 10 năm cưỡi sóng ra biển khơi cứu người