Lãnh đạo Đà Nẵng từng từ chối nhiều dự án giống Formosa

Cố Bí thư, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bá Thanh đã từng nhiều lần cự tuyệt một số dự án tương tự Formosa vì biết sẽ ảnh hưởng môi trường rất lớn.

Đó là ý kiến của cử tri Đặng Văn Phương (cựu chiến binh 81 tuổi ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, ngày 4/8, của Đoàn đại biểu Quốc hội khóa 14 (nhiệm kỳ 2016 – 2021).

Cũng như rất nhiều các cử tri khác, ông Phương rất bức xúc phẫn nộ về vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại 4 tỉnh Bắc miền Trung do Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Bản thân ông Phương đặt ra nhiều câu hỏi: “Trong 70 năm tới, ai bảo đảm dự án Formosa sẽ không xả thải độc hại ra môi trường nữa? Vừa rồi có ý kiến chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân nhưng cử tri nơi ông sinh sống không đồng tình vì ngư dân là phải bám biển, bây giờ chuyển họ đi đâu.

Chưa kể ngư dân bám biển không chỉ đánh bắt hải sản mà còn vấn đề bảo vệ ngư trường, bảo vệ vùng biển của Tổ quốc”.

Ông Nguyễn Bá Thanh đã từng từ chối nhiều dự án có nguy cơ ô nhiễm như Formosa

Ông Nguyễn Bá Thanh đã từng từ chối nhiều dự án có nguy cơ ô nhiễm như Formosa

Theo ông Phương, bản thân ông và cử tri Đà Nẵng rất cám ơn cố Bí thư, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bá Thanh đã cự tuyệt dự án Formosa vì biết sẽ ảnh hưởng môi trường rất lớn nên không nhận. Kể cả sau đó cũng không nhận các dự án nhà máy giấy, nhà máy dệt nhuộm.

“Theo đó, hồi năm 2007, ông Nguyễn Bá Thanh cùng lãnh đạo TP Đà Nẵng từng quyết định từ chối ít nhất 2 dự án FDI có tổng vốn đầu tư lên đến gần 4 tỉ USD.

Trong đó có dự án xây dựng nhà máy thép của liên doanh China Steel Corporation (Đài Loan) – Sumitomo Metal Industries Corp (Nhật) và dự án nhà máy sản xuất bột giấy của Nhật.

Sau đó, ông Nguyễn Bá Thanh còn tiếp tục từ chối dự án xây dựng nhà máy dệt nhuộm của một Công ty Hàn Quốc với số vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD và một Công ty khác của Hàn Quốc cũng đặt vấn đề cần 30ha đất để xây dựng khu liên hợp dệt nhuộm, do hai dự án này có công đoạn nhuộm có khả năng gây ô nhiễm môi trường”, ông Phương nói rõ.

Sau khi nghe ý kiến của ông Phương, ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư bày tỏ: “Đã đến lúc chúng ta không thể thu hút đầu tư với bằng mọi giá. Cái gì làm ô nhiễm môi trường, không tạo ra giá trị gia tăng cao thì phải nói “Không”!.

Những dự án không tạo ra giá trị gia tăng cao cũng kiên quyết không. Chỉ có những dự án công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao và giữ sạch được môi trường thì trải thảm đỏ để đón các nhà đầu tư”.

Trao đổi với báo chí, nói về việc từ chối dự án nhà máy thép 2 tỉ USD của Đài Loan hồi năm 2007, ông Trần Văn Minh – nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, dự án này được Bộ KH&ĐT giới thiệu cho TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên sau khi xem xét, ông Nguyễn Bá Thanh nhận thấy dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao, không phù hợp với định hướng phát triển bền vững của TP nên đã thống nhất với lãnh đạo TP quyết định từ chối, dù khi đó và cả đến hiện nay Đà Nẵng vẫn đang rất “khát” vốn FDI.

Cũng là người đã từng từ chối dự án thép có công suất, vốn đầu tư khủng ra khỏi khu vực Đầm Môn, vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) cách đây 9 năm, ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Bản thân tôi biết rằng công nghiệp luyện gang thép là ngành công nghiệp có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên quy mô rất lớn.

Tôi không nói vo mà có cơ sở khoa học, phân tích các thông số cụ thể của các phản ứng hóa học trong quá trình sản xuất thép.

Cụ thể, trước hết, chất thải của nhà máy thép vô cùng khủng khiếp, mà không thể đổ đi chỗ khác, có thể lên tới hàng triệu tấn/năm. Thứ hai, nước thải của luyện thép khoảng 100 độ, hàng ngày thải ra hàng trăm m3/ngày đêm, cá ở biển chắc chắn sẽ chết hết, không thể sinh sống được.

Thứ ba, tiêu thụ lượng khí độc vô cùng lớn, người dân sống xung quanh không có ô xy thở, vì thải ra lượng CO2 vô cùng lớn. Thứ tư, tạo ra các loại a xít bốc lên, ngưng tụ, gặp nước thì tạo ra mưa a xít, gây tác động môi trường ghê gớm…

Thứ năm, lượng chất thải của con người hàng ngày phải chuyển đi, chứ không chôn lấp, tiêu hủy được ở địa phương. Cần một lượng xe khủng khiếp, chở phân đi ra ngoài, hàng mấy chục xe ca đi lại hàng ngày cho công nhân đổi ca”.

Vị chủ tịch tỉnh thời đó nhận thức rõ, nếu các nguồn xả thải không xử lý thì phía nhà máy sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí, chi phí rẻ. Vì vậy, rủi ro môi trường nếu chấp thuận những dự án này là rất lớn, nên thẳng thắn từ chối.

 Sơn Ca (Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *