Ước mơ có một cây cầu nối nhịp sông Thu Bồn của người dân hai huyện Duy Xuyên và Đại Lộc (Quảng Nam) đã trở thành hiện thực.
Sáng 24-3, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng cầu Giao Thủy bắc qua sông Thu Bồn, nối liền hai huyện Duy Xuyên và Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) nhân kỷ niệm 20 năm tái lập và 42 năm ngày Giải phóng tỉnh Quảng Nam.
Ông Đặng Bá Dự, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam – chủ đầu tư dự án, cho biết cầu Giao Thủy được xây dựng vĩnh cửu bằng bê thông cốt thép, rộng 12 m, dài 1.023 m. Đường dẫn 2 đầu cầu có chiều dài 4,29 km nối hai xã Duy Hòa (huyện Duy Xuyên) và Đại Hòa (huyện Đại Lộc). Tổng giá trị đầu tư của cầu đến khi khánh thành là 474 tỉ đồng. Cầu được xây dựng trong vòng 24 tháng, giảm 6 tháng so với tiến độ được duyệt.
“Ngay sau khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh xác định đây là công trình trọng điểm nên đã tập trung cao độ, bộ trí nhân lực tốt nhất để quả lý, điều hành dự án với mục tiêu hoàn thành sớm tiến độ nhưng phải tuyệt đối đảm bảo chất lượng công trình” – ông Dự cho hay.
Cũng theo ông Dự, cầu Giao Thủy được đưa vào sử dụng góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh, kết nối thông suốt các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Quế Sơn, rút ngắn giao thông đáng kể với TP Đà Nẵng, đóng vai trò đường gom của cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội phía Tây Quảng Nam.
Từ sáng sớm 24-3, hàng ngàn người dân ở 2 huyện Duy Xuyên và Đại Lộc đã tập trung lên khu vực cầu Giao Thủy để theo dõi lễ khánh thành, trên gương mặt lộ rõ niềm vui sướng khi hai bờ sông Thu Bồn được nối nhịp. “Từ nay hai bên sông Thu Bồn không còn cách trở nữa, quá vui sướng. Người dân ở đây đã mong chờ ngày này lâu lắm rồi” – một người dân xúc động nói.
Nhiều người dân ở địa phương cho biết, trước năm 1975, phía dưới ngã ba sông Vu Gia – Thu Bồn có cây cầu tạm bằng gỗ thông nối liền Duy Xuyên và Đại Lộc để khai thác mỏ than Nông Sơn, khu kỹ nghệ An Hòa. Tuy nhiên, bom đạn trong chiến tranh đã khiến cầu bị sập đổ. Hàng chục năm qua, mỗi ngày có hàng nghìn lượt người qua lại bằng đò ngang hết sức nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ. Cũng hàng chục năm qua, người dân nơi đây luôn ước mơ có một cây cầu nối nhịp hai bờ Thu Bồn nhưng đến nay mới trở thành hiện thực.
Tin-ảnh: Tr.Thường/Người lao động
Nguồn:http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/khanh-thanh-cau-giao-thuy-noi-doi-bo-thu-bon-2017032411592613.htm
Bài viết cùng chủ đề:
Bật mí bí quyết lựa chọn rượu vang khi du lịch
Tour Bà Nà Hill Đà Nẵng Giá Rẻ – Chiêm Ngưỡng Thiên Đường Nơi Mặt Đất
Festival Huế – Khơi dậy năng lượng tích cực với âm nhạc và văn hóa
Chia sẻ kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng tiết kiệm A đến Z
Mua đông trùng hạ thảo Đà Nẵng ở đâu cho đúng giá và chất lượng
Review các trải nghiệm du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023
Hanami Hotel Danang – Thiên đường níu giữ bước chân du khách
Trải nghiệm Tour du lịch Đà Nẵng siêu hấp dẫn tại Tourdanangcity