Những tiếng rao mỗi khi đêm về đã đi vào cuộc sống của bao người, bây giờ, trên những con phố lúc nửa đêm vẫn có những tiếng rao được cài sẵn phát đi từ những chiếc loa, họ là những người tảo tần bán tiếng rao đêm.
Những tiếng rao đêm
Khi những quán cà phê bắt đầu bớt nhộn nhịp, khi những vòng quay hối hả của những cặp tình nhân chầm chậm trên đường về, là lúc mà những người bán hàng rong đêm vào giờ cao điểm. Họ là những người bán bắp, bánh bánh chưng, bán hủ tiếu, bán ốc lễ, bán khoai lang nướng, bán đủ những thứ gì có thể ăn dặm bụng và ăn chơi được. Chỉ đôi ba nghìn lẻ, nhưng một đêm với họ là cả một nỗi mệt nhoài với cuộc mưu sinh giữa lòng thành phố Đà Nẵng.
Đã đêm, con đường Trường Sa (Đà Nẵng) vẫn tấp nập người qua lại hóng mát trên con đường sát mé biển này. Lúc này cũng là lúc những người bán bắp, bán bánh chưng như anh Hoàng Hữu Nhật đắt hàng. Hai bên đường đoạn mấy năm nay thường thấy những chiếc nồi luộc bắp nghi ngút hơi bốc lên từ những nồi bắp di động này. khi một hành khách vừa dừng chiếc xe hơi sát “quán” anh, rất nhanh anh nhật đã bước lại chào mời.
Ngay trong tích tắc hành khách ngồi trên xe đã có ngay một bịch bắp to tướng cỡ mấy trái. Khi chiếc xe vừa đi anh kéo tôi ngồi lại bên thùng bắp bốc hơi ngùn ngụt, anh Nhật “đãi” chúng tôi món bắp luộc dân dã và cả câu chuyện về nghề bán bắp mưu sinh.
Anh bảo, bây giờ ở đây nhiều người bán lắm nên lời cũng chẳng được bao nhiêu, ngày bán “hên” thì được hơn trăm trái, còn khi ế ẩm thì hai vợ chồng cố gắng ăn bắp thay cơm vậy. “Nhà không có đất nông nghiệp, lúc trước cũng theo nghề biển nhưng thu nhập bấp bênh nên nghỉ ra đây bán bắp với người ta! Cái nghề bán bắp này cực lắm, người nào khá hơn họ thuê đất làm cái quán tạm che chắn đỡ gió bụi, nắng mưa, chứ mình thì cũng chẳng có tấm dù che tạm, mưa xuống là co giò chạy vào mái hiên nhà nào trú tạm, còn không thì mặc áo mưa đứng bám đường thôi!”. Anh Nhật bắt đầu câu chuyện của mình như thế. Anh Nhật cũng cho biết, năm ngoái anh có thể bán được khoảng 200 – 300 bắp một ngày nhưng giờ bán nhiều lắm cũng có 100 bắp mà thôi.
Đi dọc trên các đoạn đường của thành phố này, nhiều con đường chỉ chưa đầy cây số, nhẩm tính cũng gần hai chục người làm nghề bán bắp luộc. đấy là chưa kể những người bán bắp dạo trên đường nữa. Vì mưu sinh nhiều người dân đã phải bám trụ với nghề này hơn chục năm. Cũng một thời nghề bán bắp luộc ở đây mang lại cho nhiều người nguồn thu nhập kha khá. Khi hỏi về nghề bắp luộc khai sinh từ khi nào thì nhiều người chỉ nói lâu lắm rồi, không nhớ nữa.
Trước, khu vực đường Trường Sa, đường Lê Văn Hiến và nhiều con đường khác của quận Ngũ Hành Sơn này cũng có nhiều gia đình bán bắp luộc nhưng họ chỉ luộc ở nhà rồi đi bán ở các chợ, trường học. Một thời gian sau khi thành phố Đà Nẵng được mở rộng, các khu dân cư được quy hoạch, đường sá cũng được mở rộng, xây thêm thì một số người đã ra lề đường đứng bán, dần dần nhiều người thấy họ bán được cũng học theo mang bán tại chỗ luôn.
Những bấp bênh mưu sinh
Tuy bây giờ số người bán bắp luộc đã đông hơn, song nhiều người ở đây cho biết đứng bán từ sáng tới tối, tới đêm cũng có đồng ra đồng vào. Thế nhưng gần đây có một số thông tin bắp luộc bằng pin, muối diêm, bột nhử… gây hại cho sức khỏe nên khách đi đường ghé mua ngày càng ít dần. Không chỉ có những người bán bắp, còn có những người bán trứng vịt lộn, bán nước giải khát, bán hàng ăn cũng bung ra mặt đường để buôn bán ban đêm.
Tuy họ bán bên lề đường nhưng đây là đoạn đường xe cộ qua lại nhiều để hóng mát, khi khách dừng xe mua cũng gây cản trở giao thông, nhiều người ở đây cho biết nhiều đoạn đường vẫn thường xuyên được các lực lượng chức năng đi tuần tra, khuyên người dân. Nhiều người có chút điều kiện thì thuê đất rồi dựng tạm căn nhà vừa ở vừa kinh doanh, còn nhiều người vẫn đứng bán hai bên lề đường, hay đi bán dạo khắp nơi trong thành phố.
Bất chấp bụi bặm, nắng, gió và hơi nóng của nhựa đường phả vào mặt, hàng ngày có rất nhiều người lao động vẫn bền bỉ bám đường để mưu sinh, dù biết rằng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường là vi phạm luật… Hình ảnh những xe trái cây, những thùng bắp luộc ven đường dường như đã quen với mọi người.
Trong dòng người xuôi ngược thi thoảng có người dừng lại mua hàng nhưng ít ai một lần nán lại để hiểu sự vất vả của những người bám đường mưu sinh này. Dường như cái khắc nghiệt của thời tiết không làm cho người lao động nghèo quên đi gánh nặng mưu sinh.
Dẫu biết công việc bám đường mưu sinh không hề nhẹ nhàng, suốt ngày họ phải hít bụi, ăn những bữa cơm vội khi có khách hàng đến mua. Song đâu ai biết rằng để ra đường kiếm sống, trước đó họ đã phải bươn chải qua nhiều nghề nhưng rồi không nghề nào trụ được đành phải ra đường kiếm sống lo cho gia đình.
Chị Nguyễn Thị Ánh tâm sự: “Trước, tôi cũng đi làm công nhân rồi thợ may nhưng thu nhập bấp bênh không đủ lo cho con, tôi đành phải ra đường kiếm tiền nuôi các con ăn học. Vợ chồng tôi cùng quê ở Quảng Bình vào đây được 13 năm rồi nhưng mới về quê có hai lần thôi. Cực lắm nhưng cũng cố bám trụ vài năm nữa có tiền lo cho con ăn học đã. Mai mốt có chút tiền thì thuê sạp hàng ở chợ bán”.
Cuộc sống của họ vốn bấp bênh, nay lại càng vất vả hơn nữa. Song vì cuộc sống và niềm tin vào tương lai chính là động lực xoa dịu đi nỗi nhọc nhằn để họ tiếp tục bươn chải.
theo Tiêu Dao/ Phununews
Nguồn:http://phununews.vn/doi-song/muu-sinh-tu-nhung-tieng-rao-dem-133693/
Bài viết cùng chủ đề:
Tour Bà Nà Hill Đà Nẵng Giá Rẻ – Chiêm Ngưỡng Thiên Đường Nơi Mặt Đất
Festival Huế – Khơi dậy năng lượng tích cực với âm nhạc và văn hóa
Review các trải nghiệm du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023
Trải nghiệm Tour du lịch Đà Nẵng siêu hấp dẫn tại Tourdanangcity
Đà Nẵng và người Đà Nẵng- thất vọng, không như tôi tưởng
5 Lý Do Nên Chọn Trai Đà Nẵng để Yêu !!!
Thăm ngôi miếu Quan Công linh thiêng nhất Việt Nam
Nữ hiệp sĩ 10 năm cưỡi sóng ra biển khơi cứu người