Cảm động quán ăn “không lời” của cặp vợ chồng câm điếc nhưng đầy hạnh phúc ở Đà Nẵng

Đêm khuya, anh tất tả dọn bàn ghế. Chị ngồi dọn lại đồ dùng bán chưa hết. Tất cả diễn ra trong thinh lặng. Sự thinh lặng của hạnh phúc chứ không phải là sự im lặng cách xa.

Mọi người đều gọi đó là “quán người câm”. Ừ thì đó đúng là quán của người câm thật. Đó là quán của hai vợ chồng câm điếc đặc biệt ở chốn này. Trên vỉa hè ngay trước cổng trường Quân sự địa phương số Nguyễn Chánh (P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) có một quán người câm như thế.

DanangZ

Nhiều khách hàng đến đều tự nhìn bảng giá, tự tính tiền. Tất cả đều yên lặng.

Tối nào cũng vậy, người dân nơi đây đều thấy hai vợ chồng túc tắc dọn đồ, bày biện ra hàng quán để bán. Quán chỉ bán mấy thứ đồ ăn vặt như ốc hút, trứng lộn, và vài thứ nước giải khát đơn thuần. Khách ở đây vốn không nhiều lắm bởi bây là con đường không thuộc trung tâm thành phố. Điều đặc biệt thú vị ở chỗ, ngôn ngữ giao tiếp giữa khách hàng với chủ quán tại đây đều diễn ra trên giấy. Mọi thông tin, yêu cầu, thắc mắc đều được viết ra giấy và được chủ tiệm may giải quyết rất nhanh gọn.

DanangZ

Đôi vợ chồng hạnh phúc.

Người chồng còn trẻ. Hay cười. Như đó là cách duy nhất của anh để giao tiếp với khách hàng vậy. Anh nhìn khách. Khách nhìn anh. Anh cười, nụ cười đôn hậu. Khách cũng cười, nụ cười đồng cảm và sẻ chia. Bên kia, người vợ cun cút lo làm thức ăn cho khách. Thi thoảng kéo tay chồng, báo hiệu món ăn đã xong. Cứ thế, đều đặn, nhẹ nhàng, tình cảm và im lặng. Qua người “phiên dịch” cho biết, chị yêu chồng vì anh là một người chăm chỉ và rất chân thành. Còn anh thương vợ vì chị là một cô gái ngoan hiền, chịu thương chịu khó. Hai đứa con là tất cả những gì tình yêu ấy chắt chiu dành dụm được. Trong tình yêu, đôi lúc họ cũng hờn giận, cãi vã nhau như bao cặp uyên ương khác. Nhưng chỉ một lúc sau, họ đã làm lành, lại vui vẻ như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Buổi trưa, vợ im lặng kéo chồng vào nhà tắm, gội đầu cho chồng. Buổi chiều, chồng lẳng lặng bê thau đồ đi giặt giúp vợ. Hình như họ vẫn nói với nhau, nhưng “nói” bằng sự im lặng.

Vợ anh, chị sinh ra đã bị tật, không nói được, không nghe được, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngày trước, chị sống thu mình và không tiếp xúc với nhiều người. Hai con người không nghe người đời nói gì, cũng không thể nói gì cho người khác nghe, không bạn bè, không biết tương lai sẽ ra sao. Cưới nhau xong, hai vợ chồng dọn ra thuê trọ ở riêng, với ít vốn có được, họ mở quán bán trứng lộn nhỏ để mưu sinh qua ngày. Cuộc sống không dễ dàng khi cả hai người lại bị câm điếc, không hiểu được khách muốn gì, thích gì, không bằng lòng điều gì… Những ngày đầu mở ra, quán chỉ có vài người hàng xóm đến ủng hộ. Nhưng rồi, với sự cần mẫn, sự tỉ mỉ trong công việc, hai vợ chồng đã làm hài lòng những vị khách bình dân đầu tiên rồi đến những vị khách “sộp”, rồi những người khó tính. Quán anh chị ngày càng đông khách hơn.

DanangZ

Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng với vợ chồng anh chị thì điều đó không hẳn là quan trọng.

Khách đến với quán anh chị nhiều hơn. Mọi người đều trầm trồ ngưỡng mộ tình yêu của anh chị. Họ rất thích thú khi chứng kiến cảnh anh chị nói chuyện với nhau. Bởi, không có tiếng nói, họ phải thể hiện tình cảm, sự quan tâm bằng cử chỉ và ngôn ngữ bằng tay, bằng mắt, bằng nụ cười, hay đơn giản chỉ là cái vỗ vai rất tình tứ chị dành cho anh, những cái đấm lưng rất nhẹ khi anh cười nựng nịu vợ. Nhiều người có lẽ đã thấy ở đó, hạnh phúc, niềm vui, tình yêu đều toát lên trên cơ thể của họ, từ ánh mắt, nụ cười cho đến đôi bàn tay. Nó là một loại ngôn ngữ giao tiếp đặc biệt của người câm mà chẳng mấy người bình thường hiểu được.

Đêm khuya, anh tất tả dọn bàn ghế. Chị ngồi dọn lại đồ dùng bán chưa hết. Tất cả diễn ra trong thinh lặng. Sự thinh lặng của hạnh phúc chứ không phải là sự thanh lặng cách xa. Thi thoảng, chị níu tay anh, chỉ vào cuốn sổ nhỏ ghi chép gì đó rồi tỉm tỉm cười. anh thì cười nguệch ngoạc ra vẻ hài lòng. Tôi không biết trong cuốn sổ đó ghi những gì, nhưng có lẽ đó là niềm vui hằng ngày của họ. Có lẽ đó là cuốn sổ ghi lại những chi tiêu mua bán trong ngày, những lợi nhuận thu lại được. Nhưng có lẽ số tiền đó không quan trọng bằng việc họ đã tự nuôi sống được mình. Trong con mắt của mọi người, hai con người này không còn là kẻ ăn bám nữa.

DanangZ

Anh hay cười, dẫu ngượng nghịu nhưng rất chân thành.

Chặng đường phía trước của anh chị còn rất dài và nhiều khó khăn. Đôi lúc anh chị cũng lo lắng xa xôi về tương lai của mình. Cầu mong tình yêu của anh chị đủ sức mạnh, để anh chị vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống, để dệt nên một giấc mơ đẹp có thật trong cuộc đời.

Nhìn họ lặng lẽ làm việc bên nhau, trong thế giới của họ không có những lời mật ngọt và những câu chuyện để nói cùng nhau. Nhiều người không biết tên anh chị là gì, chỉ gọi đơn giản là anh chị câm. Thế nhưng họ đều có những cái tên rất đẹp. Chị là Nguyễn Thị Loan, còn anh là Nguyễn Đăng Bình, trú tại đường Nguyễn Chánh. Nhẹ nhàng và êm ả, cuộc sống của họ chìm trong thế giới của những ngôn ngữ không lời, của những sẻ chia từ ánh mắt. Đèn đường đã tắt, hai vợ chồng túc tắc kéo xe ra về. Vẫn im lặng như muon thủa. Trời Đà Nẵng đêm nay đầy sao, và tôi hiểu được một điều: Hạnh phúc không bỏ rơi một ai.

 

Tiêu Dao/Phununews

Nguồn:http://phununews.vn/tinh-yeu-hon-nhan/quan-nguoi-cam–hanh-phuc-cua-thinh-lang-134887/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *